/chuyen-muc/phap-luat-va-doi-song
VHO- Huế từ lâu được xem là một trong nững thành phố cổ kính và nên thơ nhất của cả nước bởi nét trầm lắng, thanh tú và thơ mộng của nó. Hiếm có nơi nào lại hội đủ những nét hài hòa như Huế. Sông núi, cảnh vật, đền đài, lăng tẩm… tất cả được tạo hóa và bàn tay con người tạo lập để tôn thêm vẻ đẹp hoàn mỹ, liên hoàn làm thành nét riêng rất Huế.
Du khách đến thăm Huế, ai cũng phải ngỡ ngàng trước đơn sơ mà thẳm sâu, quyến rũ của Huế. Không cầu kỳ, không hiện đại, không có những tòa nhà cao tầng chọc thủng trời xanh như những thành phố hiện đại khác, Huế lặng lẽ giữa muôn ngàn cỏ cây, hoa lá. Sự lặng lẽ đến dịu dàng, trầm tư ấy đã làm thánh thiện lòng người, đưa con người trở về với thiên nhiên, chan hòa cùng thiên nhiên như một triết lý sống và tồn tại riêng của Huế.
Riêng con sông Hương thôi cũng đã làm say đắm bao người. Như bao con sông khác, nhưng sông Hương không ồn ào, dữ dội; trái lại rất dịu dàng pha chút gì như nhớ nhung, luyến tiếc. Vì vậy mà lúc nào sông cũng dùng dằng như cố tình neo giữ một tình yêu sâu nặng trước khi trôi về biển cả. Sông Hương là nét đẹp bình dị mà kỳ vĩ giữa đất thần kinh đã làm thổn thức và tạo bao thi tứ bất ngờ cho các thi nhân mọi miền đến Huế. Thảo nào, nhà thơ Cao Bá Quát đã từng thẫn thờ thốt lên những lời gan ruột “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Con sông đã chia đều hai bờ thành phố làm thành qui luật cân bằng của con người và thiên nhiên bằng khát vọng sẻ chia, bù đắp.
Sông Hương lại như một dải lụa mềm lung linh, huyền ảo lúc đêm về. Những chiếc cầu bắc qua sông có thể hình dung như những vòng tay choàng qua dòng sông thiếu nữ càng tăng thêm vẻ huyền bí, cổ tích. Đứng trên cầu Trường Tiền ngắm trăng thượng huyền treo vành vạnh trên chùa Thiên Mụ càng thấy sự ngưng đọng đến mê người của Huế dưới làn sương mờ ảo.
Hoà không khí trầm mặc ấy là thành phố lúc về đêm phản chiếu bồng bềnh trên sông cùng văng vẳng dư âm của giọng hò khuya khoắt và làn hương mỏng tỏa thơm từ các khu vườn đầy hoa trái. Từ những nét hiện thực và huyền ảo ấy, du khách nhận ra nét Huế - một tình yêu dịu dàng, cuốn hút và lan tỏa đến đam mê, trí tuệ, nâng lên thành văn hóa, văn hoa giữa cuộc sống bộn bề náo nhiệt của con người hiện đại, giúp họ bất chợt quay về với thiên nhiên - niềm an ủi thanh cao có khả năng thanh lọc tâm hồn, giữ thăng bằng cho tình yêu và cuộc sống.
Sông Hương, cầu Trường Tiền - Ảnh QuangTran
Huế đẹp còn ở màu sắc đa dạng của nó. Hình như cảnh vật ở đây đã làm cho màu sắc Huế luôn thay đổi, biến hoá. Màu diệp lục của cây trái, màu sáng của bầu trời, màu xanh của sông, màu u tịch của thành quách, màu ráng chiều từ núi Kim Phụng lan tỏa…đã tạo cho Huế một gam màu đặc biệt và luôn thay đổi theo thời khắc. Và ở đó, màu tím được hội tụ, tôn lên thành biểu trưng, thành định ngữ và đã đi vào văn học nghệ thuật như một sở hữu: Màu tím Huế.
Tôi không dám thốt lời khen Huế đẹp
Bởi trước tôi bao thi sĩ nói rồi
Nhưng màu tím sông Hương chiều khép nép
Trăng đêm rằm Vỹ Dạ nói cùng tôi
Nói đến màu sắc Huế không thể quên sắc màu dập dìu, e ấp - màu áo trắng nữ sinh trong trắng, hồn nhiên của thành Huế có từ thời nữ sinh Đồng Khánh kiêu sa, thơ mộng xa xưa.
Huế cũng là xứ sở của chùa chiền. Không nơi đâu lại nhiều chùa như ở Huế. Chùa nằm ở mọi nơi: trên núi đồi, trong thung lũng, giữa lòng thành phố…Tất cả đều thánh thiện và mầu nhiệm trong sự hòa hợp, tương giao với cuộc sống trần thế. Người Huế gắn với đạo Phật như một sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đức tin nhân ái, từ bi. Tiếng chuông chùa ở đây hình như cũng trở thành âm thanh huyền diệu, lay động tâm thức con người, nhắc họ hướng về những ước mơ Chân - Thiện - Mỹ.
Âm thanh, màu sắc, hương thơm chính là ba yếu tố tương hợp làm nên nét đẹp hài hòa, hấp dẫn của Huế. Chúng được thể hiện vào nhân sinh hằng ngày một cách nghệ thuật. Tiếng hò khoan, điệu mái nhì mái đẩy trong những đêm đầy trăng trên dòng Hương Giang - một biểu hiện của đời sống văn hoá tao nhã của người dân cố đô. Màu tím Huế thủy chung son sắt, mùi thơm của hoa trái từ các khu vườn góp thành sự thi vị hóa nếp sống bình dị mà lịch lãm, thu hút cảm tình ccon người và biết bao lữ khách/ viễn khách mà nhà thơ Hải Bằng đã nói hộ chúng ta cái dịu dàng, quyến rũ ấy:
Để lại mùa trăng đợi trước thềm
Như bao thành phố khác, Huế đã tự tạo cho mình những nét đẹp ít nơi nào có được. Nét đẹp ấy không bị cũ đi mà ngày càng chứng minh sức sống kỳ diệu của nó do sự ý thức tôn vinh và tôn tạo của nhân dân. Khách du lịch nước ngoài đến Huế đều trầm ngâm và nghĩ suy về một thành phố du lịch lý tưởng, dẫu rằng những phương tiện và tiện nghi còn nhiều thiếu thốn. Mỗi một con người, trong tận cùng sâu thẳm của tình cảm, trong sự khiêm nhường kín đáo đều không ngại ngùng thốt lời khen Huế đẹp. Đó cũng chính là lời ngơi ca của bạn bè gần xa dành cho Huế - thành phố di sản của nhân loại.
Và hẳn nhiên không chỉ riêng người dân xứ Huế yêu thương và nghĩ về Huế với những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng. Và cứ mỗi lần nghĩ về Huế, bao kỷ niệm và tình cảm hiện về, đánh thức trong mỗi chúng ta những ước mơ lặng thầm, diệu ngọt.
Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ – Đây thực chất là một tổ chức “tà đạo”, hoạt động trái pháp luật và gây nhiễu loạn đến tình hình ANTT tại nhiều địa phương. Việc nhận diện, ngăn chặn và cảnh giác trước những hành vi lôi kéo, dụ dỗ của những đối tượng tự xưng là người của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” là điều cần thiết, quan trọng để bảo vệ văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cũng như cuộc sống bình yên của mỗi người dân.
Nguồn gốc của “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”
“Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, “Hội thánh của Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa Trời Mẹ” hoặc “Hội thánh Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giêsu” đều là tên gọi của một tổ chức do Ahn Sahng Hong ((Anh Xang Hồng)) sáng lập ra năm 1964, chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, tổ chức này đã có 3,7 triệu thánh đồ, hơn 7.500 Hội Thánh tại 175 quốc gia trên thế giới.
Anh Xang Hồng (1918-1985) xuất thân trong một gia đình Phật giáo ở Hàn Quốc năm 1947, Anh Xang Hồng tham gia vào giáo đoàn của Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm tại Incheon sau đó bị khai trừ khỏi giáo hội vì đã đưa ra quan điểm “lấy thập tự giá làm biểu tượng trong Hội thánh là phạm tội thờ thần tượng”. Năm 1964, Anh Xang Hồng lập ra nhóm “Hội thánh của Đức Chúa trời nhân chứng Jesus” tại Busan và trở thành giáo chủ. Đến năm 1985 sau khi Anh Xang Hồng qua đời, Jang Gin Ja (vợ của Anh Xang Hồng) tách ra và thành lập “Hội thánh của Đức Chúa Trời Nhân chứng Ahn Sahng-hong” sau đó đổi tên thành “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới” (World mission society Church of God – WMSCOG) hay còn gọi là “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”.
Bản chất thực sự của “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”
“Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ” là một tôn giáo ngoại sinh, có nguồn gốc từ Tin lành, sử dụng giáo lý cơ bản lấy từ kinh thánh (66 quyền) của Tin Lành giáo nhưng không được Tin lành giáo công nhận, thậm chí tẩy chay vì đã “xuyên tạc”, “cắt xén” các giáo lý, giáo luật của Tin Lành giáo.
Quan điểm của “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ” tin rằng: “Đức Chúa trời là đấng tối cao quyền năng, tạo ra các vì sao, các hành tinh và trái đất, tạo ra loài người để cai quản nó. Nay sắp đến ngày tận thế, đức Chúa trời thương xót cho loài người nên mới đi tìm con cái để cứu rỗi. Ai may mắn lắm mới được đức chúa trời cứu, ai không nghe theo sẽ bị hủy diệt. Ai muốn được cứu thì đến để làm lễ vượt qua”. Trong cách thức sinh hoạt của tổ chức này, điểm dễ nhận biết là tín đồ không cần tổ chức lễ Giáng sinh, không sử dụng thánh giá, tượng chúa, nữ thì trùm khăn ren trắng. Sau khi bị lôi kéo, những ai tin vào “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ” sẽ phải đến các Sion (là nơi tụ tập của mọi người trong Hội thánh) để làm lễ, uống nước thánh, ăn bánh thánh và phải “dâng” 1/10 tổng thu nhập hàng tháng để Đức Chúa trời mẹ giữ hộ vào ngày thứ Bảy hàng tuần.
Tại Việt Nam, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” du nhập vào khoảng năm 2001, thông qua nhập cảnh của người Hàn Quốc tới Việt Nam và một số người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Đến khoảng năm 2005 – 2006, hình thành điểm, nhóm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Người tin theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 50, phần nhiều là sinh viên, người làm việc tự do trong lĩnh vực tư nhân. Một số khác do làm ăn thua lỗ, ốm đau, cô đơn, cả tin nên tuân theo. Lực lượng đi truyền giáo đa phần là số trẻ, hoạt ngôn sắc xảo, có trình độ học vấn được huấn luyện kỹ năng thuyết giảng và được tổ chức thành một mạng lưới có sự hỗ trợ trên dưới khá chặt chẽ, gồm: người dẫn dắt, nhóm trưởng, khu vực trưởng.
Các hoạt động vi phạm pháp luật của Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ
– Các “ấn phẩm”, tài liệu của Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ dùng để tuyên truyền đều không có nguồn gốc, không phải do cá nhân, pháp nhân có tư cách ấn hành. Nhiều tài liệu chỉ là sự góp nhặt bài nói, bài viết của một số nhân vật nhằm thuyết phục người nghe… Các “bài giảng” chỉ là sự giao giảng sáo rỗng để tác động, lôi kéo các đối tượng là những người hiền lành, chất phác hoặc có hoàn cảnh éo le, bệnh tật… để lợi dụng điểm yếu, lòng tin và thiện tâm của họ. Nội dung tuyên truyền cực đoan, vô đạo đức, vô nguồn cuội “chỉ sống cho riêng mình, từ bỏ gia đình…”. Nội dung tuyên truyền phi khoa học, không phù hợp với văn minh nhân loại hiện nay.
Đồng thời, thông qua các buổi gặp gỡ, tụ họp, những đối tượng dễ dàng trục lợi bằng cách bắt người tham gia có thu nhập ổn định phải nộp 10% thu nhập hàng tháng như một thứ tiền hội phí. Không những thế, mỗi ngày lễ, người tham gia đều phải dâng hiến tiền bạc vào ngày học giáo lý để “thông công” với Đức Chúa Trời. Thậm chí có người chi tiêu tằn tiện, có tiền dư ra là mang đóng cho điểm nhóm dưới danh nghĩa làm từ thiện. Thời gian đầu, người mới tham gia không phải đóng tiền, có người hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ, nhưng sau khi tin theo, họ phải đóng tiền đều đặn. Song, số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, như thế nào không ai được biết. Một số được dùng cho duy trì hoạt động của hội thánh, còn lại là để “xây nhà trên trời”.
Các hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ cho thấy tổ chức này đã vi phạm nghiêm trọng các điều cấm quy định tại Ðiều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 với các nội dung như: ép buộc, mua chuộc người khác; xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; vi phạm đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi…
Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người cũng như các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi người dân đều phải thực sự tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng để giúp bảo vệ, phát huy những giá trị thiêng liêng, bản chất tốt đẹp, nhân văn của tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, vì một đất nước phát triển hiện đại, văn minh, giữ nguyên vẹn bản sắc đậm nét của dân tộc Việt Nam.