Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu (chữ Hán: 孝獻端敬皇后; tiếng Mãn: ᡥᡳᠶᠣᠣᡧᡠᠩᡤᠠᠠᠯᡳᠪᡠᠩᡤᠠᡝᠯᡩᡝᠮᠪᡠᡥᡝᡥᡡᠸᠠᠩᡥᡝᠣ, Möllendorff: hiyoošngga alibungga eldembuhe hūwangheo; 1639 - 23 tháng 9, năm 1660), Đổng Ngạc thị, thường được gọi là Đổng Ngạc phi (董鄂妃), Đổng Ngạc Hoàng quý phi (董鄂皇貴妃), Đoan Kính Hoàng hậu (端敬皇后) hoặc Hiếu Hiến Hoàng hậu (孝獻皇后), là một phi tần rất được sủng ái của Thanh Thế Tổ Thuận Trị hoàng đế. Bà thường bị nhầm với Đổng Tiểu Uyển, một kĩ nữ sống vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh.
Bí ẩn về thân phận của Đổng Ngạc phi
Những ghi chép về Đổng Ngạc phi trong sử sách kỳ thực khá mơ hồ, khiến hậu nhân khi nghiên cứu cảm thấy nghi hoặc. Chẳng hạn, về tình huống Đổng Ngạc phi vào cung, các sử sách đương thời đều không có ghi chép chi tiết. Chỉ có hoàng đế Thuận Trị nói trong bài điếu văn viết cho Đổng Ngạc phi, rằng nàng được tuyển vào cung năm 18 tuổi vì đức hành cao thượng. Tuy nhiên, theo quy định chế độ tuyển cung nữ, phụ nữ quá 17 tuổi không có tư cách tham gia tuyển chọn, tại sao Đổng Ngạc phi đã 18 tuổi vẫn được chọn vào cung?
Vì có nghi hoặc, nên các sử gia luôn có những suy đoán khác nhau về thân phận của Đổng Ngạc phi. Một thuyết pháp cho rằng Đổng Ngạc phi chính là Đổng Tiểu Uyển, một kỹ nữ nổi tiếng ở Giang Nam thời Minh – Thanh. Khi Đổng Tiểu Uyển 19 tuổi, nàng kết hôn với Mặc Tương, tài tử nổi tiếng đương thời. “Ảnh Mai Am ức ngữ” của Mặc Tương ghi lại cuộc đời của Đổng Tiểu Uyển, trong sách không tiếc lời kể lại thời bình sinh của Đổng Tiểu Uyển, nhưng chỉ nói rất mơ mơ hồ hồ về bệnh tật và tang táng của nàng… Mặc Tương viết: “Rốt cuộc bất hòa, hôm nay chứng nghiệm”. Có người phân tích, nếu Đổng Tiểu Uyển thực sự chết bệnh, Mặc Tương đáng lẽ phải viết những lời thương tiếc, tại sao ông ấy lại thở dài than “bất hòa”. Vì vậy, có người suy đoán Mặc Tương dùng ngày Đổng Tiểu Uyển bị bắt đi làm ngày tưởng niệm, mượn lời nói Đổng Tiểu Uyển đã chết, nhưng thực chất nàng được đưa vào cung, lấy họ Đổng Ngạc, được tấn phong quý phi.
Một thuyết pháp khác dựa trên cuốn tự truyện của nhà truyền giáo người Đức Johann Adam Schall von Bell, cho rằng Đổng Ngạc phi là vợ của một quân nhân Mãn Châu. “Tiểu sử của Johann Adam Schall” viết rằng, hoàng đế Thuận Trị yêu mến vợ của một quân nhân, quân nhân này đã giận dữ mắng mỏ vợ mình. Hoàng đế Thuận Trị thực sự đã tát vào mặt vị quân nhân vì điều này, khiến người đó oán hận mà chết, rồi hoàng đế Thuận Trị đưa vợ anh ta vào cung.
Cũng có giả thuyết cho rằng vị quân nhân Mãn Châu này chính là thân vương Bomubogor, anh trai cùng cha khác mẹ của hoàng đế Thuận Trị. Vì ông ấy đã qua đời vào tháng 7 hoàng lịch năm Thuận Trị thứ 13, nên Đổng Ngạc phi đã nhập cung vào tháng 8 hoàng lịch cùng năm.
Tuy nhiên, những thuyết pháp trên đều là suy đoán dân gian và không có tư liệu lịch sử đáng kể nào để chứng thực, nên thân phận của quý phi Đổng Ngạc vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Vị hoàng đế sùng thượng Phật pháp
Hoàng Thái Cực, cha của hoàng đế Thuận Trị, thập phần trọng thị Phật giáo Tạng truyền, dưới sự huân đào của ông, hoàng đế Thuận Trị từ nhỏ đã rất kính úy Phật giáo. Ông từng nhiều lần hội kiến các cao tăng, cùng họ thảo luận thâm nhập về Phật pháp, thậm chí còn mời họ giảng đạo trong cung.
Vào năm Thuận Trị thứ 16, hoàng đế Thuận Trị đã chiêu mộ Mộc Trần Đạo Mân, trụ trì chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba, vào cung điện. Hoàng đế Thuận Trị tôn xưng ông là “lão hòa thượng”, hai người học Phật luận thiền, bàn luận thi từ thư họa cùng nhau trong 8 tháng. Trước khi Mộc Trần Đạo Mân rời Bắc Kinh, hoàng đế Thuận Trị đã tặng ông hai chữ “Kính Phật” bằng chữ viết tay để thể hiện tâm kiền thành của ông đối với Phật pháp. Ngự thư “Kính Phật” này đã được lưu giữ tại Tây Uyển Vạn Thiện điện, chùa Pháp Hải núi Vạn An ở phía tây Bắc Kinh, và chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba.
Hoàng đế Thuận Trị cũng yêu cầu Ngọc Lâm Tú, trụ trì chùa Báo Ân, đặt cho mình một Pháp danh, cuối cùng, hoàng đế Thuận Trị đã chọn chữ “Si 痴”, phối thêm chữ “Hành 行”, lấy pháp danh là “Hành Si”, hiệu “Si Đạo Nhi”.
Sử sách ghi chép, hoàng đế Thuận Trị đã đến cư xá của các cao tăng 38 lần trong hai tháng để thảo luận về kinh Phật, ông đã nhiều lần có ý định xuất gia. Cái chết của Đổng Ngạc phi có lẽ đã khiến Thuận Trị thể hội rõ hơn về thế sự vô thường, càng củng cố thêm chí hướng tu Phật của ông.
Theo các học giả đương đại khảo chứng, trong “Sắc trụ thiện quả Lữ Am Nguyệt hòa thượng tấu đối lục” ghi lại rằng vào ngày 27 tháng 12, năm Thuận Trị thứ 17, hoàng đế Thuận Trị đã phát nguyện với hòa thượng Lữ Am rằng ông muốn chính thức xuất gia càng sớm càng tốt, khi đó, Lữ Am thuyết phục ông “hiện đế vương thân, hành Bồ Tát quả”, ý tứ là vừa làm đế vương, vừa tu hành Bồ Tát, nhưng Thuận Trị trả lời rằng ông e rằng mình không thể làm được đến điểm này.
Sách cũng ghi lại rằng vào ngày 17 tháng 4 năm Thuận Trị thứ 18, khi quan tài của hoàng đế Thuận Trị được hỏa táng, hòa thượng Lữ Am đã đọc hai câu thơ, ám thị rằng thứ bị hỏa táng chẳng qua chỉ là một chiếc quan tài trống rỗng, hoàng đế Thuận Trị vì giác ngộ triệt để mà đã quyết định từ bỏ hoàng vị để xuất gia. Khảo chứng này dường như đã tăng thêm sức nặng lịch sử cho khả năng hoàng đế Thuận Trị đã xuất gia.
Về lý do tại sao Thuận Trị Đế sau khi qua đời lại dùng phương thức hỏa táng, có thuyết pháp nói rằng ông sùng thượng Phật giáo, tin vào việc linh hồn thăng thiên, đã nhiều lần bày tỏ yêu cầu được hỏa táng sau khi chết, mọi người không ai dám không tuân thủ. Nhưng mặt khác, nếu Thuận Trị thực sự đã xuất gia, thì hỏa táng có thể là một biện pháp tốt để che giấu sự thật.
Chính vì những ghi chép và lời đồn đại như vậy mà người ta luôn cho rằng Hiếu Lăng của nhà Thanh chẳng qua chỉ là đài tưởng niệm của hoàng đế Thuận Trị, bên trong không có vàng ngọc châu báu, vì vậy những kẻ trộm mộ đời trước căn bản đều bỏ qua Hiếu Lăng nhà Thanh. Hiếu Lăng trở thành lăng mộ hoàng đế duy nhất của Thanh triều không bị trộm mộ.
Kỳ thực, việc hoàng đế Thuận Trị xuất gia đi tu có thể tìm thấy một số manh mối trong bài thơ “Tán tăng thi” do chính ông viết, như sau:
Ngã bổn Tây phương nhất nạp tử,Vi hà sinh tại đế vương gia?Thập bát niên lai bất tự do,Nam chinh Bắc phạt kỉ thời hưu?Ngã kim tản thủ Tây phương khứ,Bất quản thiên thu dữ vạn thu.
Ta nguyên là nạp tử Tây phương,Vì sao sinh hạ nhà đế vương?Mười tám năm rồi bao bó buộc,Nam chinh Bắc phạt lúc nào dừng?Ta giờ buông tay về Tây phương,Chẳng quản ngàn thu với vạn thu.
Từ câu cuối cùng mà xét, rất có khả năng hoàng đế Thuận Trị đã đi hướng Tây cầu Phật. “Hoàng Bách thiền sư thi”, một trong bảy cuốn sách tiên tri cổ của Trung Quốc, cũng ám thị điểm này, chúng tôi đã giới thiệu trong tập giải đọc cuốn “Hoàng Bách thiền sư thi” trong tập trước, các bạn quan tâm có thể vào đọc.
Ngoài ra, một câu chuyện như vậy cũng được ghi lại trong “Thanh Bại Loại Sao”, dường như cũng ứng chứng Phật duyên và kết cục của hoàng đế Thuận Trị.
Thời Minh mạt có một vị lão tăng sống ẩn cư ở Kết Mao am trên đỉnh cao phong, núi Nga Mi. Lão tăng quanh năm không xuống núi, không ăn, không uống, chỉ nhắm mắt đả tọa. Có một vị hòa thượng trẻ đi theo ông, thỉnh thoảng xuống núi mua gạo về tự nấu ăn. Vị lão tăng đã đả tọa thiền định như vậy hơn mười năm, và vị hòa thượng trẻ cũng đã ở bên ông ấy hơn mười năm.
Một ngày nọ, vị lão tăng đột nhiên mở mắt và nói với đệ tử: “Ta đi đây, con hãy ở lại đây, đừng xuống núi”. Vị hòa thượng trẻ nghe vậy liền túm lấy y phục của lão tăng và khóc lớn, không muốn sư phụ rời đi. Vị lão tăng an ủi hòa thượng trẻ và nói: “Đừng bi thương, sư đệ chúng ta sẽ có một ngày diện kiến”. Rồi lão lấy từ trong tay áo ra một cuộn giấy có vẽ hình lão tăng. Bức chân dung có mắt, tai, miệng và mũi, nhưng không có lông mày. Lão tăng yêu cầu vị hòa thượng trẻ cẩn thận cất giữ bức chân dung của sư phụ đi và nói: “Sau khi ta rời đi, sau mười hai năm, con có thể xuống núi tìm ta, khi nào nhìn thấy ai đó, hãy lấy bức tranh ra và cho ông ấy xem. Nếu có người giúp con vẽ lông mày cho bức chân dung, thì đó chính là ta”. Dặn dò xong, lão tăng tọa hóa mà đi.
Chẳng bao lâu, phản quân Chương Hiến Trung Lưu Soán tiến vào Tứ Xuyên, khiến người dân Tứ Xuyên máu chảy thành sông. Tiểu hòa thượng tuân theo lời sư phụ dặn, không xuống núi nên tính mạng được bảo toàn. Khi kỳ hạn mười hai năm kết thúc, người học trò mới xuống núi, lúc này, quân Thanh đã tiến vào Trung Quốc, và Phúc Lâm, con trai thứ chín của Hoàng Thái Cực, được kế vị, tự xưng là Đại Thanh Thế Tổ Chương Hoàng Đế, niên hiệu Thuận Trị.
Tiểu hòa thượng đã vân du hơn mười năm, tìm kiếm sư phụ của mình khắp thiên hạ nhưng mãi không tìm thấy. Sau đó, vị hòa thượng trẻ đến Bắc Kinh để xin ăn, vừa đúng lúc hoàng đế Thuận Trị đi săn ở ngoại ô. Tiểu hòa thượng không biết đây là đội ngũ hoàng gia, chỉ ghi nhớ lời di chúc của sư phụ, tiến đến trước ngự giá, thỉnh cầu hoàng đế Thuận Trị xem tranh. Thị vệ kinh ngạc, muốn bắt tiểu hòa thượng, nhưng Thuận Trị đã ngăn lại, yêu cầu tiểu hòa thượng mở bức tranh cho xem. Tiểu hòa thượng mở bức tranh ra, hoàng đế Thuận Trị vừa nhìn, liền kinh ngạc nói: “Bức chân dung này tại sao không có lông mày?” Nói rồi, ông ra lệnh tả hữu mang mực và bút vẽ đến, rồi đích thân bổ sung thêm đôi lông mày cho bức chân dung.
Tiểu hòa thượng đã òa khóc, quỳ xuống đất và hét to: “Sư phụ, con đã tìm thấy ngài rồi!…”. Chúng nhân nhìn nhau, hoàng đế Thuận Trị cũng kinh ngạc không thôi. Thế rồi tiểu hòa thượng kể lại chi tiết từng lời chỉ dẫn của lão tăng. Hoàng đế Thuận Trị đột nhiên đại ngộ: Nguyên lai kiếp trước ta là một lão hòa thượng đến từ núi Nga Mi! Chẳng trách ta luôn có niệm đầu muốn xuất gia. Phật duyên đời này phải được tiếp nối.
Theo Epoch TimesHương Thảo biên dịch